Grab công bố chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển trên nền tảng trực tuyến trong giai đoạn ‘bình thường mới’
Việt Nam, ngày 9 tháng 6 năm 2020 – Grab, siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Đông Nam Á, ngày hôm nay công bố Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tại Đông Nam Á thích nghi với trạng thái bình thường mới hậu COVID-19. Chương trình bao gồm các công cụ và sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp đang kinh doanh offline dễ dàng chuyển sang kinh doanh online, đồng thời giúp những đối tác đang hoạt động trên nền tảng Grab tăng mức hiển thị và có thể điều chỉnh hoạt động vận hành phù hợp với nền kinh tế đang chuyển đổi số nhanh chóng. Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ một lần nữa khẳng định cam kết lâu dài của Grab trong việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp nhỏ, góp phần đảm bảo họ được tham gia vào nền kinh tế số đang phát triển. Ngoài ra, Grab tiếp tục công bố quan hệ đối tác với chính phủ các nước Đông Nam Á để kết nối nông dân và các doanh nghiệp khác đang hoạt động tại khu vực nông thôn với nền kinh tế số.
“Dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng các dịch vụ online tăng vượt bậc gần như chỉ sau một đêm. Điều này đang thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở Đông Nam Á, nhưng cũng tạo ra nguy cơ về khoảng cách số trong khu vực. Các doanh nghiệp nhỏ là xương sống của nền kinh tế Đông Nam Á, dù vậy đại đa số họ đều hoạt động offline. Họ cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Kinh doanh online sẽ là một mô hình kinh doanh mới cho những doanh nghiệp này. Thông qua Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi hy vọng sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ thích nghi tốt hơn với trạng thái bình thường mới. Với ưu thế công nghệ và độ phủ rộng lớn, Grab có thể tìm ra nhiều phương thức mới để hỗ trợ một cách toàn diện cho tất cả mọi người”, bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab, cho biết.
Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á thích nghi với trạng thái bình thường mới hậu COVID-19
Các biện pháp giãn cách xã hội và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Xu hướng này được dự báo có thể kéo dài vĩnh viễn ngay cả khi những quy định về hạn chế di chuyển được gỡ bỏ. Người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn khi ra ngoài, nhiều công ty thậm chí đã có kế hoạch cho nhân viên làm việc tại nhà vô thời hạn. Tuy nhiên, chỉ có 34% doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á đang có mặt trên nền tảng trực tuyến.
Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ hướng đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số – bằng cách cho phép cửa hàng của họ xuất hiện trên nền tảng Grab, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp này tích hợp thanh toán điện tử. Theo một cuộc khảo sát nội bộ với các doanh nghiệp nhỏ đã có cửa hàng trên nền tảng Grab, 76% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ thêm để tăng hiển thị trực tuyến, 56% doanh nghiệp muốn hỗ trợ thêm các công cụ để cải tiến cũng như nắm bắt được xu hướng và hành vi của khách hàng để phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ sẽ hướng đến giải quyết những nhu cầu trong các lĩnh vực này.
Đây là chương trình hỗ trợ chung trên toàn vùng, các sáng kiến sẽ được triển khai tùy tình hình thực tế tại từng quốc gia.
Các nội dung chính của chương trình bao gồm:
- GrabMerchant: một nền tảng tự phục vụ gồm tất cả-trong-một để các chủ doanh nghiệp có thể phát triển tập khách hàng trên nền tảng trực tuyến, tối ưu hóa vận hành, đồng thời kiểm soát chi phí. Các tính năng chính của GrabMerchant bao gồm:
-
- Self-onboarding (Tự đăng ký cửa hàng): Các doanh nghiệp nhỏ có thể xây dựng một cửa hàng trực tuyến, thiết lập các tùy chọn thanh toán không tiền mặt và hoạt động trên Grab, tất cả chỉ trong vòng 24 giờ.
- Phân tích chi tiết (Insights): Công cụ phân tích chi tiết cung cấp cho đối tác kinh doanh của Grab những thông tin về doanh số, vận hành, thói quen mua hàng của người tiêu dùng, cũng như mức độ hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị. Công cụ này cho phép các đối tác của Grab phát hiện và nhanh chóng bắt kịp các cơ hội mới, ví dụ như tạo ra các bữa ăn dựa trên những món khách hàng đang đặt. Đồng thời, công cụ cũng giúp doanh nghiệp giải quyết sự thiếu hiệu quả trong vận hành.
- Quảng cáo (Ads): Công cụ chạy quảng cáo tạo điều kiện cho các đối tác cửa hàng xây dựng banner quảng cáo và tìm kiếm món ăn, đồng thời có thể theo dõi hiệu suất quảng cáo theo thời gian thực.
- Cung ứng (Supplies): Đối tác kinh doanh của Grab có thể mua hàng và nguyên liệu ở mức giá bán sỉ, đồng thời được giao hàng nhanh chóng, tiện lợi ngay ngày hôm sau.
Các đối tác kinh doanh có thể sử dụng GrabMerchant phiên bản ứng dụng hoặc phiên bản website. Phiên bản ứng dụng sẽ bắt đầu được ra mắt vào tháng 6/2020, sau đó là phiên bản website từ tháng 7/2020 tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
- Khám phá cửa hàng (Merchant Discovery): Từ giữa tháng 6/2020, người dùng Grab có thể nhìn thấy các cửa hàng gần họ thông qua widget Nearby Merchant (Cửa hàng gần bạn) trên ứng dụng Grab. Tính năng này sẽ tăng khả năng nhận diện cho các cửa hàng, đồng thời tăng lưu lượng khách hàng đến mua trực tiếp tại cửa hàng sau khi các quy định hạn chế di chuyển được gỡ bỏ. Nhờ tính năng Merchant Discovery, các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn đẩy mạnh khuyến mãi cho khách hàng đang ở gần đó để thu hút họ đến cửa hàng và mua sắm. Grab sẽ triển khai thêm các kế hoạch khách hàng thân thiết cho các đối tác kinh doanh trong quý 3/2020, giúp các doanh nghiệp nhỏ tăng doanh số và tăng tỷ lệ duy trì khách hàng.
- Dành 3,5 triệu USD giá trị quảng cáo hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á: Với sáng kiến “Cửa hàng vững vàng” (Homegrown Heroes), Grab sẽ tạo ra các quảng cáo được cá nhân hóa cho hơn 6.000 doanh nghiệp địa phương tại 28 thành phố thuộc 8 quốc gia. Các quảng cáo này sẽ được đặt tại những vị trí nổi bật nhất trên ứng dụng Grab trong 5 tuần kể từ đầu tháng 7/2020. Grab sẽ chi trả các chi phí và nguồn lực cần thiết để sản xuất các tài liệu tiếp thị này. Đối tác nhà hàng trước đây từng đăng ký quảng cáo banner trên màn hình chính của GrabFood đều thu về 300% chi phí so với số tiền họ bỏ ra dành cho quảng cáo. Tại Việt Nam, chương trình đang dần được triển khai.
Hợp tác với Chính phủ các nước Đông Nam Á để kết nối doanh nghiệp đến từ vùng nông thôn với nền kinh tế số
Dịch COVID-19 đã tăng tốc quá trình chuyển đổi số, và Grab đã chủ động làm việc với các Chính phủ các nước Đông Nam Á để đảm bảo các hệ sinh thái truyền thống không bị bỏ lại phía sau. Đơn cử, Grab đã hợp tác với Indonesia và Malaysia để triển khai sáng kiến đưa chợ truyền thống và Ramadan Bazaar lên nền tảng Grab.
Grab đang đẩy mạnh hoạt động trọng tâm này thông qua việc hợp tác với Chính phủ Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan để kết nối các doanh nghiệp ở nông thôn với nền kinh tế số. Các hợp tác này hướng đến việc mở rộng cơ hội kinh tế cho nông dân và cơ sở sản xuất nông nghiệp trên toàn khu vực, bằng cách việc hỗ trợ họ tăng thu nhập trực tiếp từ việc bán hàng trên nền tảng Grab, đồng thời giảm bớt những lo ngại về an ninh lương thực.
Grab Vì Cộng Đồng: Giới thiệu hơn 100 sáng kiến để ứng phó với COVID-19; đóng góp 8,5 tỷ USD cho nền kinh tế Đông Nam Á
Tập 2 của Grab Vì Cộng Đồng: Báo Cáo Tác động Xã hội ra mắt hôm nay tập trung vào tác động của COVID-19 và những ứng phó của Grab.
Từ tháng 3 đến tháng 4/2020, Grab đã cam kết đóng góp hơn 40 triệu USD cho các nỗ lực hỗ trợ đối tác và đưa ra hơn 100 sáng kiến để giảm thiểu tác động của dịch bệnh với các đối tác tài xế, đối tác giao hàng, y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch và cộng đồng.
Từ tháng 3 đến tháng 4/2020, hơn 78.000 đối tác kinh doanh đã được đăng ký thành công trên nền tảng Grab. Các doanh nghiệp nhỏ tăng 21% doanh thu trực tuyến thông qua hợp tác với Grab trong khoảng thời gian này. Grab cũng tạo ra cơ hội thu nhập cho hơn 115.000 cá nhân đăng ký làm đối tác tài xế và đối tác giao nhận trong khoảng thời gian này.
Báo cáo cũng cho thấy, thông qua thu nhập và doanh thu của đối tác tài xế, đối tác giao hàng, đối tác kinh doanh và đối tác đại lý được tạo ra thông qua nền tảng Grab, Grab đã đóng góp khoảng 8,5 tỷ USD cho nền kinh tế Đông Nam Á trong 12 tháng tính đến tháng 3/2020.
Tại Việt Nam, Grab đã dành ra 70 tỷ đồng để hỗ trợ Chính phủ, đối tác và cộng đồng vượt qua những khó khăn trong dịch COVID-19. Những nỗ lực chính bao gồm:
- Grab đã đóng góp 2 tỷ đồng ủng hộ Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống COVID-19.
- Hỗ trợ chi phí đi lại và các suất ăn cho các tình nguyện viên đang tham gia phục vụ cách ly tại Đại học Quốc gia TP.HCM.
- Trao tặng 65.000 khẩu trang và 45.000 bộ quà tặng an toàn GrabCare cho đối tác tài xế. Grab sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 210.000 khẩu trang cho đối tác tài xế trong thời gian sắp tới.
- Hỗ trợ phun khử khuẩn phương tiện và lắp đặt màn chắn trong xe để đảm bảo an toàn cho hành khách và đối tác tài xế.
- Triển khai chương trình “Tiếp sức bác tài – Vững vàng vượt khó”, hỗ trợ hơn 108 tấn gạo, 8 tấn đường, 8.000 thùng mì gói và 2.300 gói nui/miến/phở không chỉ cho các đối tác tài xế Grab có hoàn cảnh khó khăn mà còn cho các tài xế công nghệ của các ứng dụng khác.
- Phối hợp với Quỹ Hy Vọng triển khai chương trình “Tiếp sức cộng đồng – Vững vàng vượt khó”, cùng với sự chung tay của người dùng Grab trao tặng 28.500 suất ăn miễn phí đến những người có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM và Hà Nội.
- Hỗ trợ cho các đối tác nhà hàng thuộc một số chuỗi thức ăn nhanh (QSR) và khoảng 500 đối tác nhà hàng dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) tại Hà Nội và TPHCM thông qua việc thực hiện quảng cáo, khuyến mãi, tăng nhận diện truyền thông để thu hút thêm khách hàng, từ đó có thể tăng doanh thu cho nhà hàng.
“Để vượt qua dịch COVID-19, chúng ta cần sự chung tay nỗ lực từ tất cả mọi người trong xã hội. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tìm ra vắc-xin. Các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách củng cố nền kinh tế quốc gia. Hằng ngày, mỗi người dân đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng cách tuân thủ giãn cách xã hội. Các công ty tư nhân như Grab đang tận dụng nền tảng và công nghệ của mình để hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhỏ nhất cho đến các đối tác công ty để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn này. Tương lai chưa thể biết trước, nhưng Đông Nam Á là một cộng đồng biết cách đối mặt với nghịch cảnh, và mạnh mẽ vươn lên”, bà Tan nói thêm.